13/7/17

VÔ KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO


Hỏi: Kính bạch Thày ! Không có ngã, không có ta và không có cái của ta, nếu quán chiếu được như thế thì mới có luận: vô khổ, tập, diệt, đạo.

Đáp: Đúng, là cái hý luận của các nhà học giả Phật giáo phát triển, vì không có cái ngã, không có cái ta và không có cái của ta, nên mới có chỗ đập phá chân lý của Phật giáo là “vô khổ, tập, diệt, đạo”, nên mới có chỗ cấm tín đồ Phật giáo nếu ai tu theo Thanh Văn Nhị Thừa thì sẽ bị khinh cấu tội. Bởi vì con người không có cái ngã, không có cái ta, không có cái của ta, nên chân lý khổ, tập, diệt, đạo làm sao có được. không có cái ngã, không có cái ta, không có cái của ta thì con người là gốc cây là cục đá nên chân lý khổ, tập, diệt, đạo của đạo Phật là chân lý của con người chứ không phải chân lý của cục đá, gốc cây. Khổ, tập, diệt, đạo đế là chân lý của con người có cái ngã, có cái ta, có cái của ta. Con người tu hành trở thành cục đá, gốc cây mới sản xuất ra trí tuệ Bát Nhã Tâm Kinh, để trong các chùa hằng ngày tụng niệm “Vô khổ, tập, diệt, đạo”, để diệt mất cái chân lý này đi, diệt mất cái chân lý này để làm gì ? Diệt mất cái chân lý này là diệt mất Phật giáo.

Cho nên, sau khi đức Phật tịch thì Phật giáo ngay trên quê hương của Người đã bị quét ra khỏi. Cho đến bây giờ, cũng không thấy dấu vết gì đúng nghĩa của Phật giáo ở trên đất nước này.

Bây giờ, nếu chúng ta trở về thăm quê hương xứ Phật, chỉ thấy những nơi di tích được trùng tu để thu tiền khách tham quan vãng cảnh, chứ đâu có ý nghĩa làm cho Phật giáo sống lại với đất nước Ấn Độ nữa. Một cái gì cao quý và đẹp đẽ nhất của nước Ấn độ đã bị lòng ganh tỵ nhỏ hẹp của các tôn giáo ích kỷ tại quê hương này diệt mất rồi, còn đâu nữa. Có còn thì cũng chỉ là hình thức kinh doanh tôn giáo mà thôi.

Đúng như cư sĩ đã nói: “Không có ngã, không có ta, không có cái của ta, nếu quán chiều như thế thì mới có luận vô khổ, tập, diệt, đạo”. Vậy, không có cái ngã, cái ta, cái của ta thì lấy cái gì quán chiếu, nếu có cái quán chiếu được thì phải có cái ngã, có ta, có cái của ta, ngoài ra ba cái này thì không có cái quán chiếu. Vì thế, cái quán chiếu này là cái ảo giác trừu tượng, không phải của con người, không phải của con người thì cái này không phải của Phật giáo. Vì Phật giáo lấy con người làm nơi tu hành giải thoát cho con người, ngoài con người ra thì không có cái gì để tu hành cả, vì con người khổ nên đạo Phật ra đời giải quyết sự đau khổ cho con người, mà con người thì phải có cái ngã, cái ta, cái của ta. Nhưng khi cái ngã, cái ta, cái của ta đều thiện thì có làm khổ mình, khổ người đâu mà chúng ta lại dẹp bỏ nó ?! Chúng ta chỉ dẹp cái ngã, cái ta, cái của ta trong ác pháp, vì cái ngã, cái ta, cái của ta trong các ác pháp là cái thường làm khổ mình, khổ người, nên đức Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp” thì chân lý khổ, tập, diệt, đạo mới thật là chân lý của loài người.

Bởi vậy, lý Bát Nhã chỉ áp dụng vào thế giới tưởng của Long Thọ, chứ không thể áp dụng cho loài người được. Vì nó là một ảo giác chân không diệu hữu.


(Theo cuốn sách: Người Phật tử cần biết – tập 2)